tháng 12 2013

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Cách chăm con bị trào ngược dạ dày, thực quản


Mình đã trải qua thời kỳ dài chăm con bị Trào ngược dạ dày từ khi mới sinh, nên muốn chia sẻ với các mẹ có cùng cảnh ngộ những điểm cơ bản sau:

1- Cho bú : nên cho bé bú thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa lượng bú ít hơn bé bình thường, rút ngắn khoảng cách giữa các cữ bú. Khi bé bú xong thì vác bé lên vai, bụm bàn tay lại vỗ nhẹ vào phần lưng trên của bé, cho đến khi bé ợ thì mới nhẹ nhàng đặt bé xuống.
2- Cho ăn : Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, tránh cho bé ăn thức ăn khó tiêu, chứa quá nhiều đạm. Khi cho bé ăn món mới, nên cho ăn ít để thăm dò sự thích nghi của bé với món ăn để tránh dị ứng, sau đó tăng dần. Đừng ép bé ăn quá no, nhất là lúc gần đi ngủ. Khi bé ăn xong đừng cho bé chạy nhảy.
3- Chọn sữa : Nên chọn loại sữa chứa chất đạm dễ tiêu hóa và ít lactose, thích hợp với hệ tiêu hóa còn non yếu của bé, giúp bé dể tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất tốt hơn, như Gain Plus Total Comfort là sự lựa chọn thích hợp cho trẻ gặp các vấn đề về tiêu hóa và hấp thu, hoặc kém dung nạp khi sử dụng các loại sữa công thức thông thường khác.
4- Vệ sinh : Khi bé nôn trớ, dù có lên mũi hay không, thì mẹ cũng nên dùng Natriclo 0,9% xịt rửa mũi cho bé để tránh bị viêm đường hô hấp trên nhé.
Mong rằng các bé đừng bị Trào ngược dạ dày như bé của mình, chăm rất công phu và vất vả các mẹ ạ, các con hãy ăn ngoan, tiêu hóa tốt cho các mẹ vui nhé

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Trào ngược dạ dày thực quản dễ gây hen suyễn


Mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, lại thêm bệnh hen suyễn nên bé trai nhà chị Thu, quận Bình Tân, TP HCM gầy nhom. Chị đã thử đủ cách nhưng mỗi lần ăn cái gì vào là bé lại nôn ói hết cả ra, ho sặc sụa. Đi khám bác sĩ uống thuốc 2 tháng nay nhưng tình trạng bé vẫn chưa cải thiện.
"Đút chén cháo cho con cả buổi trời, có khi vừa đút được muỗng cuối cùng là con ói trào ra hết, vừa xót con, vừa bực cả mình, mỗi bữa ăn của con là cả nhà cứ phải ầm ĩ cả lên vì tiếng con khóc, tiếng mẹ quát tháo. Nấu cháo cũng phải nhiều để lỡ con có ói thì có thứ để ăn tiếp", chị Thu thở dài ngao ngán.
hen-phe-quan-o-tre-nho_1370591202[148208
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), hai bệnh trào ngược dạ dày thực quản và bệnh hen có tác động qua lại lẫn nhau.
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch chứa trong dạ dày trào ngược vào thục quản. Bệnh khá phổ biến, nhất là lứa tuổi 1-6 tháng. Tỷ lệ trẻ bị trào ngược ở 3 tháng đầu là 50%, 4-5 tháng là 67%, sau 1 tuổi là 5%.
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, bao gồm nôn trớ, ói, nhất là sau khi ăn; ói máu; cơn khóc co thắt, khó dỗ; khò khè, ho tái đi tái lại nhiều lần, nhất là về ban đêm; biếng ăn bú kém, chậm lớn, cong ưỡn lưng khi bú; khàn tiếng; viêm họng; sâu răng, viêm tai giữa thứ phát; đau ngực, ợ nóng, đau bụng. Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bằng các xét nghiệm như siêu âm bụng, nội soi thực quản, chụp Xquang...
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý nếu xảy ra thường xuyên, kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Trên hệ hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra suyễn, ho mãn tính, viêm phổi, viêm phế quản, xẹp phổi, giãn phế quản, cơn ngưng thở, chậm nhịp tim, thở rít, viêm thanh quản, khàn tiếng. Thông thường, 90-95% trẻ hết triệu chứng lúc 12-18 tháng tuổi.
Mối liên quan giữa trào ngược dạ dày thực quản và hen suyễn giống như mối liên quan qua lại giữa con gà và quả trứng. Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây nên cơn hen suyễn cấp, làm suyễn nặng hơn, khó điều trị và kiểm soát hơn. Ngược lại suyễn cũng làm cho trào ngược dạ dày thực quản xảy ra thường xuyên và nặng nề hơn. Trẻ hen suyễn có tỷ lệ trào ngược dạ dày thực quản cao hơn trẻ bình thường.
Thông thường, cơn ho ở bệnh nhân suyễn làm tăng áp lực ở bụng, tăng áp lực thường xuyên cơ vòng thực quản, dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra việc tắc nghẽn đường thở, ảnh hưởng của thuốc điều trị hen suyễn cũng gây ảnh hưởng đến việc trào ngược. Trong khi đó, trào ngược dạ dày thực quản là yếu tố kích phát mạnh lên hen, là nguyên nhân làm cho bệnh hen kém đáp ứng với thuốc điều trị.
Cần nghĩ đến suyễn kèm trào ngược dạ dày thực quản khi trẻ vẫn lên cơn suyễn dù đang điều trị phòng ngừa, bên cạnh việc điều trị loại trừ các lý do thất bại khác, khi trẻ lên cơn sau bữa ăn và lúc ngủ, có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản đặc biệt là khi dùng thuốc giãn phế quản.
Cha mẹ có trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cần lưu ý:
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia nhỏ bữa ăn làm nhiều cữ.
- Cho trẻ nằm đầu cao sau khi ăn.
- Tránh uống nhiều nước 1 giờ trước khi ngủ.
- Tránh một số thức uống, thức ăn như chocolate, trà, ca cao, cà phê, nước uống có ga, kẹo bạc hà, nước cam, cà chua, thức ăn có nhiều gia vị....
- Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn bác sĩ.
Lê Phương

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Bé bị trào ngược dạ dày, thực quản


Con tôi cao 85cm, nặng 11,5kg. Hiện, cháu ăn ngày 3 bữa cháo, uống 500ml sữa, một hộp sữa chua, một hộp váng sữa (hoặc phô mai). Cháu hầu như không tăng cân.
Trả lời:
Bé phát triển cân nặng và chiều cao khá, chỉ thiếu một cm và 300g so với trung bình chuẩn lứa tuổi. Việc uống men pepsin thường xuyên (quá một tháng mỗi đợt) là không nên vì đây là men do dạ dày tiết ra. Men pepsin tiêu hóa chất đạm thành những chuỗi polypeptid ngắn, ngoài ra còn có tác dụng tiêu hóa các sợi collagen - là một phần của mô liên kết nằm giữa các tế bào của thịt. Chỉ khi các sợi collagen đã được tiêu hóa, men Pepsin mới thấm được vào thịt để phân giải chúng.
trao nguoc
Mẹ không nên lạm dụng men tiêu hóa, cho bé dùng quá dài ngày. Ảnh minh họa.
Men Pepsin của dạ dày chỉ có tác dụng tiêu hóa được 10%-20% chất đạm của thức ăn. Khi các tuyến tiêu hóa bị tổn thương hoặc giảm bài tiết các men tiêu hóa, chẳng hạn khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng nặng… thì sẽ thường gây ra tình trạng thiếu các men tiêu hóa. Do vậy, trong những trường hợp này, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để tiêu hóa qua khẩu phần ăn, mẹ cần cung cấp thêm cho bé một số men tiêu hóa như men Pepsin... Trừ những trường hợp bị tổn thương tuyến tiêu hóa bẩm sinh, còn lại chỉ nên dùng men tiêu hóa từng đợt từ một tuần đến 2 tuần, không nên dùng kéo dài.
Việc dùng các loại men tiêu hóa kéo dài sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế nên giảm bài tiết và dẫn đến teo. Về số lượng bữa ăn và số lượng sữa của cháu hiện dùng là phù hợp lứa tuổi nhưng để trẻ tăng cân tốt em cần tăng đậm độ năng lượng của bữa cháo: 200ml-250ml mỗi bữa hoặc nhiều hơn nếu trẻ ăn được, đảm bảo đủ lượng đạm và chất béo trong bữa ăn dặm (150g thịt trứng tôm cá mỗi ngày và 7,5ml đến 10ml mỗi bữa).
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn
Viện nghiên cứu Y - Xã hội học

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây tử vong


trao nguoc da day
Trẻ có thể bị trớ ngay trong khi ăn.
Ngay từ khi chào đời, cháu T. đã hay bị sặc sữa mỗi khi bú nhanh. Người nhà nghĩ đó là chuyện bình thường nên không đưa đi khám. Sau khi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã hướng dẫn gia đình cho cháu ăn bằng cách bơm ống thông mũi - dạ dày hoặc đút từng muỗng một. Tuy nhiên, chứng viêm phổi quá nặng do hít phải dịch trớ đã lấy đi mạng sống của cháu sau 4 ngày nhập viện.
Chứng trào ngược dạ dày thực quản của cháu T. khá phổ biến ở trẻ em. Đó là tình trạng dịch tiết dạ dày trào ngược lên thực quản. Nó có thể là hiện tượng sinh lý, cũng có khi là triệu chứng của một bệnh nào đó. Chính vì vậy nên nhiều bậc cha mẹ xem thường và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý xảy ra do trẻ ăn quá no, nuốt hơi nhiều trong khi bú. Trong trường hợp này, trẻ sẽ trớ ngay sau bữa ăn hoặc lúc đang bú, số lần bị rất ít, thoáng qua hoặc mỗi ngày một lần. Bản thân chứng trào ngược sinh lý không nguy hiểm nhưng có thể gây sặc và dẫn đến tử vong do tắc đường thở, cần được cấp cứu nhanh.
Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản bẩm sinh là trương lực cơ vòng co bóp thực quản quá yếu, không giữ được thức ăn lại trong dạ dày. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ bại não. Trào ngược cũng hay gặp trong nhiều bệnh lý nhi khoa như bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, tai mũi họng, viêm não hoặc chấn thương sọ não.
Trong trào ngược bệnh lý, triệu chứng này xảy ra thường xuyên, thường là khi thay đổi tư thế. Trẻ có thể bị nôn ra máu, nuốt khó, khóc nhiều, từ chối bú, uốn éo vặn người... Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa 2 Bệnh viện Nhi Đồng 2, trào ngược dạ dày thực quản có thể lại gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu trẻ không được điều trị sớm. Dịch dạ dày có axít nên lâu ngày sẽ gây loét niêm mạc thực quản, dẫn đến hẹp thực quản. Từ đó, trẻ sẽ bú khó, nuốt đau và ngày càng nôn nhiều hơn. Đến lúc trẻ ọc sữa hoặc thức ăn qua đường mũi thì bệnh đã ở giai đoạn nặng. Nếu trào ngược xảy ra trong lúc trẻ ngủ nằm đầu thấp, không được phát hiện kịp thời cũng dẫn đến tử vong do tắc thở.
Vì vậy, theo bác sĩ Tuyết, trẻ bị trào ngược cần được đi khám sớm. Nếu được điều trị trước 12 tháng tuổi, cơ vòng thực quản sẽ co bóp trở lại như trẻ bình thường. Sau thời điểm này, khả năng khỏi bệnh rất thấp, trẻ dinh dưỡng không đủ nên chậm phát triển, đề kháng kém và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.
5 nguyên tắc chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản
- Chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ và nên cho trẻ ăn đặc hơn bình thường để không bị trào.
- Tránh môi trường có khói thuốc lá, không cho trẻ dùng những thức ăn có chất kích thích như chocolate, nước trà, cà phê. Cho trẻ ăn đồ dễ tiêu để hạn chế tình trạng đầy hơi.
- Khi ngủ, đặt trẻ nằm ở tư thế đầu ngửa cao, đầu - ngực - cổ thẳng trục.
- Cho trẻ đi lại nhiều hơn nằm vì tư thế nằm dễ gây trào ngược. Mặt khác, ở trẻ nằm nhiều, trương lực cơ toàn thân, trong đó có cơ vòng thực quản, sẽ yếu hơn những trẻ khác, dễ dẫn đến trào ngược.
- Khi trẻ trào ngược có biểu hiện tím tái, ngưng thở, cần kích thích thở bằng cách vuốt nhẹ lưng và xoa lòng bàn chân. Nếu trẻ sặc sữa, phải vỗ lưng và cho nằm nghiêng để sữa trào ra. Ngay sau khi sơ cứu, cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
(Theo Người Lao Động)

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

7 thói quen hằng ngày chống ợ nóng


Các loại thuốc kháng axit là dược phẩm phổ biến điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản GERD. Trong những trường hợp nguy cấp, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật. Tuy nhiên, bất kể triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản của bạn tồi tệ đến mức nào thì việc chống lại chứng ợ nóng, hồi lưu axit cũng cần một số thay đổi trong cách sống, từ thức ăn cho đến trang phục. 7 cách sau đây nếu được duy trì hằng ngày có thể giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, theo Health
1. Chia nhỏ bữa ăn
Dạ dày quá no có thể nới lỏng van ngăn cách giữa dạ dày và thực quản, đẩy axit trong dạ dày trở lại thực quản.
Ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày tốt hơn nhiều so với ăn các bữa cố định: sáng, trưa, tối. Nhưng đừng ăn quá trễ vì ăn gần giờ ngủ có thể làm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thêm tồi tệ.
2. Hạn chế một số loại thức ăn
Một số loại đồ ăn, thức uống như đồ cay, thịt mỡ, đồ chiên, trái cây họ cam quýt, hành, cà chua, bơ, dầu, bạc hà, socola và caffein làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
3. Không uống rượu
anh1-jpg_1361025895[1482088941].jpg
Rượu hoàn toàn không tốt cho người bị ợ nóng. Ảnh: xzone
Rượu có tác hại xấu đối với người mắc chứng bệnh này, đặc biệt đối với người uống quá nhiều hay uống thường xuyên. Rượu làm giãn nở cơ thực quản, đẩy axit ở dạ dày đi vào thực quản giống như trường hợp dạ dày quá no như trên. Một nghiên cứu năm 1999 trên American Journal of Medicine cho thấy tỉ lệ người có dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản tăng lên khi số lượng rượu tiêu thụ tăng lên theo tuần. Những người uống hơn 7 chai trong một tuần dễ mắc chứng ợ nóng hơn.
4. Giảm cân
Cân nặng cũng góp phần gây ợ nóng và chứng trào ngược axit. Nghiên cứu năm 2003 trên hơn 10.000 người đăng trên International Journal of Epidemiology cho thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản với chỉ số cân nặng cơ thể BMI. Số người béo phì mắc chứng bệnh này gấp 3 lần so với những người có cân nặng bình thường.
Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác lí giải cho mối quan hệ này. Có thể, mỡ thừa ở bụng gây áp lực lớn lên dạ dày, hoặc cũng có thể làm thay đổi thành phần hóa học và hoóc môn làm cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi chứng trào ngược axit.
5. Không nên mặc quần áo quá chật
Cũng giống như dư thừa mỡ bụng, quần áo bó sát phần giữa có thể đẩy ngược axit trong dạ dày vào thực quản.
Chắc chắn những chiếc quần sẽ trông dễ thương hơn nếu bó sát phần bụng, nhưng liệu nó có đáng không? Nếu bạn bị ợ nóng, hãy bỏ qua những chiếc thắt lưng, cạp quần, hàng dệt kim và quần lót quá chật.
6. Gối đầu cao
Giấc ngủ thì có liên quan gì đến chứng ợ nóng? Thực tế là có đấy! Tránh ăn uống trước khi ngủ và nâng đau của bạn lên khoảng 15 - 20cm khi ngủ nhé. Vị trí này không giúp giảm axit trào ngược, nhưng nghiên cứu cho thấy nó giúp axit dạ dày từ thực quản chạy vào nhanh hơn.
Bạn không có chiếc giường có thể điều chỉnh bằng tay? Hãy nâng giường của bạn lên trên một khối được thiết kế đặc biệt hoặc dùng chiếc nêm bọt, cả 2 đều có bán tại trên thị trường. (Lưu ý là nâng gối không phải là một cách hiệu quả)
anh2-jpg_1361026239[1482088941].jpg
Nêm bọt giúp cải thiện tình trạng ợ nóng. Ảnh: bedwedgestore
7. Từ bỏ thuốc lá
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho tim và phổi. Nhưng đối với hệ tiêu hóa thì như thế nào?
Chất nicotine, cũng giống như rượu, có thể làm trầm trọng các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản vì nó làm giãn nở cơ bụng dưới khiến axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân làm mật đi từ ruột non vào dạ dày, giảm lượng nước bọt cơ thể sản xuất ra. Nước bọt chứa bicarbonate, chất chống axit tự nhiên, giúp ngăn axit dạ dày vào thực quản.
Thu Lê